Màu sắc ánh sáng trong công trình kiến trúc

  • Ánh sáng là một phần rất nhỏ của bức xạ (sóng) điện từ mà mắt người cảm nhận được có bước sóng 380nm đến 780nm. Ánh sáng có tính chất sóng & tính chất hạt, có màu sắc, có trọng lượng và tác động lên tâm sinh lý của con người.
    • – Ánh sáng màu tím      l   λ =   380 – 450 nm
    • – Ánh sáng màu chàm       λ =   450 – 480 nm
    • – Ánh sáng màu lam         λ =   480 – 510 nm
    • – Ánh sáng màu lục          λ  =   510 – 550 nm
    • – Ánh sáng màu vàng       λ =   550 – 585 nm
    • – Ánh sáng màu da cam   λ  =   585 – 620 nm
    • – Ánh sáng màu đỏ          λ =   620 – 780 nm

 

 

Phổ màu ánh sáng

  • Để tiện cho việc lựa chọn nguồn sáng người ta phân loại nguồn sáng theo màu ánh sáng. Nhiệt độ màu thể hiện gam màu của ánh sáng: Nhiệt độ màu càng thấp thì ánh sáng càng có xu hướng vàng – nóng, càng cao thì ánh sáng càng có xu hướng trắng – lạnh.
  •  
  • Nguồn sáng trắng ấm (nóng): Các nguồn sáng có nhiệt độ màu T < 3000K  được xem là nguồn sáng trắng ấm – nóng. (Ví dụ: bóng Sợi đốt, Sợi đốt halogen, Compact, Sodium cao áp, Sodium thấp áp):
    • – Ánh sáng nóng sẽ làm tăng thêm màu đỏ và da cam của đồ vật, làm sẫm đi các màu xanh da trời và xanh lá cây. Màu nóng cho cảm giác nặng về khối lượng hơn so với các màu khác. Vật thể được chiếu sáng màu nóng cho cảm giác ở gần với người quan sát hơn so với thực tế;
    • – Ánh sáng nóng thường gây ra một số tác động tâm lý cho con người: màu đỏ gây ra cao huyết áp, tăng nhịp thở, gây kích thích tạo ra cảm giác vui tươi, hưng phấn nhưng lại nhanh mỏi mệt, màu da cam có ảnh hưởng tốt đến hệ tiêu hoá, màu vàng kích thích sự làm việc trí óc vv..
  • Do tác động rõ rệt đến con người nên ánh sáng thường được sử dụng ở không gian nhỏ hẹp, có màu sắc chủ đạo là màu nóng hoặc màu sẫm. Đối với công trình kiến trúc, việc sử dụng ánh sáng nóng ấp sẽ tạo ra cảm giác gần gũi, trang trọng, tôn nghiêm, linh thiêng, huyền bí và cổ kính.
  •  
  • Nguồn sáng trung tính: Các nguồn sáng có nhiệt độ màu T = 3000K – 5000K được xem là nguồn sáng trung tính. (Ví dụ: Bóng huỳnh quang ống, Compact, Cao áp Thuỷ ngân, Metal halide): Ánh sáng trung tính gây cảm giác lạnh lùng và trống rỗng nhưng nó làm tăng độ chói và sự tác động của các màu sắc đứng bên cạnh.
  • Do đó ánh sáng trung tính thường được sử dụng khi cần có sự đồng đều, không nhấn mạnh một màu sắc đặc biệt nào. Thông thường, việc chiếu sáng các công trình có kiểu dáng kiến trúc đơn giản với yêu cầu chiếu sáng đồng đều trên các bề mặt công trình thường sử dụng nguồn sáng loại này.
  •  
  • Nguồn sáng lạnh: Các nguồn sáng có nhiệt độ màu T > 5000K được xem là nguồn sáng lạnh. (Ví dụ: Bóng Metal halide, xenon):
    • – Ngược với màu nóng, các màu lạnh cho ta cảm giác nhẹ về khối lượng và xa xôi về khoảng cách;
    • – Cũng như ánh sáng nóng, ánh sáng lạnh cũng gây ra một số tác động tâm lý cho con người: màu lục và màu xanh da trời gây cảm giác tươi mát, làm dịu sự kích động, tạo cảm giác bình yên, thư giãn. Màu tím ngoài cảm giác lạnh còn gây ra tâm trạng buồn chán, tạo tâm lý thụ động uể oải.
  • Do đó, ánh sáng lạnh phù hợp với các khu công công cộng có không gian rộng, khu vực có nhiều cây xanh, chiếu sáng các cao ốc tạo ra cảm giác hiện đại, hoành tráng làm tăng chiều cao công trình. Tuy nhiên, cần tránh dùng ánh sáng lạnh để chiếu sáng mặt tiền các ngôi nhà ốp bằng gạch đỏ hoặc sơn màu sẫm và đặc biệt là công trình cổ.

 

 

Các công trình cổ thường sử dụng ánh sáng nóng

(Bắc môn – thành cổ Hà Nội)